Không dung nạp lactose: Chuyện không của riêng ai

Lactose là một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, kem,…

Lactose không thể trực tiếp hấp thu vào cơ thể. Chúng cần phải trải qua quá trình “cắt nhỏ” ở ruột non mới có thể đi vào máu.

Không dung nạp lactose (hay còn gọi là chứng bất dung nạp đường trong sữa) là khi cơ thể không thể hấp thu hoàn toàn lượng đường lactose trong sữa. Điều này xảy ra khi ruột non của người không sản xuất đủ enzyme tiêu hóa – gọi là lactase.

Bình thường khi chúng ta uống sữa hay sử dụng các sản phẩm từ sữa, lactase sẽ được ruột non tiết ra để hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu đường. Đối với người mắc chứng không dung nạp lactose thì quá trình này diễn ra không đầy đủ. Thay vào đó, lượng đường trong sữa sẽ được đưa tới ruột già. Tại đây, các vi khuẩn sẽ phân hủy lactose thành chất lỏng và khí gây nên các triệu chứng khó chịu như đầy bụng, tiêu chảy,…


Những biểu hiện của chứng không dung nạp lactose thường xuất hiện từ 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn hoặc uống các sản phẩm có chứa lactose. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Đầy hơi.
  • Buồn nôn.
  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.


Sự trầm trọng của các triệu chứng có thể thay đổi ở từng người, từng thời điểm. Có hai nguyên nhân tạo nên sự khác biệt này:

  • Mức độ thiếu hụt enzym lactase trong ruột non
  • Lượng sản phẩm từ sữa đã sử dụng trong bữa ăn là ít hay nhiều

Ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đến khám bác sĩ để được tư vấn và xác định chẩn đoán. Bởi vì các biểu hiện của chứng không dung nạp lactose có thể gây ra bởi các bệnh lý tiêu hóa khác nghiêm trọng hơn (ví dụ viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích hay chứng dị ứng sữa,…)

Bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện các bước như sau:

  • Ngừng sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong một vài tuần
  • Nếu các triệu chứng biến mất, thử sử dụng lại các sản phẩm từ sữa. Ghi chép cụ thể, rõ ràng những phản ứng của cơ thể đối với từng loại thức ăn.

Trong phần lớn trường hợp, những xét nghiệm chẩn đoán là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu biểu hiện bệnh không rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau đây để xác định chắc chắn chẩn đoán, bao gồm:

Xét nghiệm hơi thở (hydrogen breath test)

Đây là một xét nghiệm đơn giản để đánh giá xem bạn có mắc chứng không dung nạp lactose hay không. Quá trình này mất khoảng 2 giờ để thực hiện. Trước tiên, bạn được yêu cầu uống một chất lỏng đặc biệt có chứa lactose. Tiếp theo, bạn sẽ định kỳ thổi vào một dụng cụ có hình quả bóng mỗi 15 phút. Sau đó, mẫu hơi thở chứa trong những quả bóng này sẽ được đưa đi làm xét nghiệm và trả kết quả về cho bác sĩ.

Xét nghiệm dung nạp lactose

Dùng để đo lường mức độ đáp ứng của cơ thể đối với đường lactose. Hai giờ sau khi uống chất lỏng đặc biệt có chứa loại đường này, bạn sẽ được đo nồng độ glucose trong máu. Nếu mức glucose tăng chậm hoặc không tăng, nghĩa là cơ thể người bệnh đã không thể tiêu hóa và hấp thụ lactose đúng cách.


Hiện tại không có cách nào để điều trị hoàn toàn chứng không dung nạp lactose. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng khó chiu bằng cách thay đổi chế độ ăn và hạn chế lượng lactose đưa vào cơ thể, bao gồm:

  • Tránh ăn các sản phẩm chứa nhiều lactose (sữa đặc, kem, phô mai,…). Điều này không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn. Có rất ít người mắc chứng không dung nạp lactose nghiêm trọng đến mức họ phải bỏ tất cả các sản phẩm sữa. Cơ thể vẫn có thể tiêu hóa được một lượng nhất định mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
  • Lựa chọn các sản phẩm sữa có chứa ít lactose hơn (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, các sản phẩm sữa không chứa lactose,…).
  • Luôn lưu ý đọc bảng thành phần dinh dưỡng in trên bao bì. Nhiều loại thức ăn có thể chứa lactose mà bạn không biết (một số loại bánh, kẹo,…).

Một điểm đáng chú ý là người bệnh có khả năng dự đoán phản ứng của cơ thể đối với các loại thức ăn khác nhau dựa trên kinh nghiệm. Bằng cách tỉ mỉ ghi lại nhật ký các bữa ăn hàng ngày, bạn sẽ biết được được bản thân có thể ăn hoặc uống bao nhiêu mà không cảm thấy khó chịu.

Chế độ ăn đầy đủ calci và vitamin D. Chế độ ăn hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa dễ dẫn đến thiếu hụt calci và vitamin D. Do đó, cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu calci như:

  • Các loại rau xanh như súp lơ, bắp cải, rau chân vịt,…
  • Các loại cá có thể ăn được xương như cá hồi,…
  • Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành
  • Các loại hạt
  • Bánh mì

Ngoài ra, calcium và vitamin D còn có trong các loại thực phẩm bổ sung ngoài thị trường ở dạng kết hợp. Tuy nhiên, sử dụng dư thừa calci cũng có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng!

Không dung nạp lactose là một rối loạn rất phổ biến ở người lớn. Tình trạng này tuy không nguy hiểm nhưng gây ra rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Những triệu chứng thường gặp là đầy bụng, khó tiêu,… và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ, đến khám bác sĩ là việc làm cần thiết.

Ngay cả đi đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thì bạn cũng cần tìm hiểu một số thông tin về sự chuẩn bị trước để phục vụ công tác khám bệnh, hay những câu hỏi, những điều bạn cần lưu ý.